Năm 1997, bác La rời xa gia đình sang đất nước Tiệp Khắc, Cộng Hòa Séc xa xôi để xuất khẩu lao động, kiếm tiền lo cho gia đình và vợ con ở nhà. Ở nơi đất khách quê người, ngoài những giờ phút lao động vất vả, bác La lại ngồi một mình nhớ về gia đình, quê hương. Trong một lần đi dạo thăm thú thành phố, bác gặp một phụ nữ trung tuổi người Séc đang loay hoay với đống đồ bị rơi ngổn ngang trên đường, không ngần ngại bác tiến đến nhặt giúp và xách đồ về nhà người phụ nữ đó. Cảm kích trước hành động của bác, người phụ nữ đó mời bác đến ăn tại quán ăn của nhà bà. Tại đây bác được ăn một món ăn bản địa do chính người bản địa nấu mà theo như bác kể thì đây là lần đầu tiên bác được ăn món ăn ngon như thế. Rồi cứ cuối tuần, bác lại qua quán ăn phụ giúp những công việc vặt như rửa bát, dọn dẹp, phụ bếp,… Lâu dần người phụ nữ người Tiệp Khắc đó rất quý bác và đã nhận bác làm con nuôi. Người phụ nữ ấy tên Maria Vanchat Sova.


Ở bên đó được vài năm thì bác La về Việt Nam. Mang theo công thức và cách làm món chân giò bó mà mẹ nuôi đã dạy, bác cũng mở quán ăn nhỏ bán tại chỗ. Quán ăn tuy nhỏ nhưng chứa đựng rất nhiều tâm huyết và tình cảm của bác La và vợ. Bác La kể bác thường phải dậy từ 4h sáng để đi chọn chân giò lợn luôn kiểm tra khắt khe nguyên liệu đầu vào. Toàn bộ thịt lợn tươi có nguồn gốc an toàn và đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch, sau đó về rửa sạch, tẩm ướp gia vị, hạt tiêu cho đều rồi bó lại từng cái rồi sau đó chế biến. Công việc tưởng đơn giản nhưng với sức của 2 bác tuổi đã cao thì cũng khá là mệt. Mở được một thời gian thì bác phải nghỉ để đi làm giúp cho em trai.
